Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hoanghuuthang
Đang tải...
Trong tập đầu tiên nói về khởi nghiệp này, tôi muốn chia sẻ với các bạn về cách để lựa chọn thời điểm khởi nghiệp sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, tôi cũng đưa ra những lưu ý khi các bạn có ý định khởi nghiệp mà muốn tìm những lời khuyên, nếu tìm lời khuyên không đúng người, nó có thể dập tắt ước mơ, hoài bão của các bạn. Hy vọng thông qua những chia sẻ của tôi trong tập Podcast này, có thể giúp các bạn lựa chọn được thời điểm phù hợp và đưa ra được quyết định đúng để chạm đến thành công trong tương lai.
Tôi đã có kinh nghiệm trải nghiệm thực chiến nhiều năm về kinh doanh và khởi nghiệp. Từ một nền tảng rất thấp nhưng đã chạm đến những thành công nhất định. Và ngày hôm nay, tôi xin gửi đến các bạn những chia sẻ về thời điểm phù hợp nhất để khởi nghiệp, và những điều cần lưu ý khi nhận lời khuyên về khởi nghiệp từ người khác.
Khởi nghiệp là một chủ đề được quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây, và được nhắc đến ở rất nhiều nơi. Khi một người có ý định khởi nghiệp hay nghĩ đến khởi nghiệp thì luôn băn khoăn và quan tâm đến một câu hỏi, đó là khởi nghiệp khi nào thì tốt nhất. Tôi sẽ đưa ra những chia sẻ của mình để các bạn tham khảo khi nào khởi nghiệp là tốt nhất hay thời điểm vàng để khởi nghiệp là khi nào. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cùng thẳng thắn nhìn vào hai tình huống xảy ra khi khởi nghiệp. Đó là thành công hoặc thất bại. Do vậy, muốn khởi nghiệp hay là có ý định khởi nghiệp thì bạn cũng nên nghĩ đến hai kịch bản này.
Trường hợp thứ nhất là thành công thì quá tốt rồi. Đó là điều tuyệt vời dù là thành công lớn hay bé, và khởi nghiệp mà thành công thì rất nên khởi nghiệp rồi. Nhưng trường hợp này theo thống kê chỉ có khoảng 10% thôi, một tỷ lệ khá khiêm tốn. Nhưng dành cho những bạn khởi nghiệp được vài năm rồi, khoảng 1 đến 3 năm chẳng hạn và doanh nghiệp của mình vẫn đang ổn thì đấy gọi là tạm thành công. Trước tiên tôi chúc mừng các bạn vì tôi là người luôn cổ vũ luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp và mong muốn các bạn thành công. Tuy nhiên, theo trải nghiệm của tôi thì tôi khuyên các bạn hãy hết sức cẩn trọng trên hành trình mình đang đi này. Vì những thành công hiện tại và thời điểm đó chưa nói nên được điều gì, vẫn còn rất nhiều sóng gió đang chờ chúng ta ở phía trước.
Chắc chắn doanh nghiệp của bạn vẫn đang cần hoàn thiện những mảnh ghép, những lỗ hổng. Hãy hướng đến những cột mốc cao hơn, đặc biệt là cột mốc 10 năm. Theo nghiên cứu, những doanh nghiệp có tuổi thọ trên 10 năm thì ổn định và ít thất bại hơn những doanh nghiệp mới thành lập được vài năm rất nhiều. Nói như vậy nhưng không phải công ty trên 10 năm không có rủi ro, công ty nào cũng có rủi ro. Và việc của chúng ta là khi thuận lợi, khi phát triển cũng nên nghĩ đến rủi ro, nghĩ đến để luôn có tâm thế cẩn trọng và có kịch bản dự phòng cho nó.
Tôi rất thích cái slogan của VinGroup là “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, nghĩa là hãy luôn giữ ngọn lửa khát vọng, giữ tinh thần nhiệt huyết, sự cẩn trọng như cái giai đoạn khởi nghiệp. Và đó là tinh thần khởi nghiệp, là ý nghĩa mà tôi muốn nói đến để giảm rủi ro, để có thể phản ứng nhanh và thích nghi nhanh. Ngày nay, điều này là rất cần thiết, khi mà mọi thứ diễn ra và thay đổi quá nhanh.
Trường hợp thứ hai là khởi nghiệp thất bại. Trong khởi nghiệp, theo thống kê, thất bại là kịch bản xảy ra chiếm khoảng 90%. Như vậy, đa phần khởi nghiệp sẽ thất bại. Do đó, không có lý do gì mà chúng ta không nghĩ trường hợp này có thể đến với mình. Chúng ta nghĩ đến trường hợp thất bại khi khởi nghiệp không phải để nhụt chí và nghĩ theo hướng tiêu cực. Mà để trả lời cho câu hỏi chính của chủ đề ngày hôm nay, đó là nếu khởi nghiệp thất bại, nếu khởi nghiệp mất trắng thì bạn có chấp nhận được không? Liệu ngã thì có tự mình đứng dậy được không?
Nếu câu trả lời là có và bạn chấp nhận được, bạn đứng dậy được và bạn có kịch bản cho trường hợp thất bại xảy ra thì chúc mừng bạn, bạn bắt tay vào triển khai đi. Đó là thời điểm phù hợp nhất, thời điểm tốt nhất và là thời điểm vàng để bạn khởi nghiệp. Nhưng dù thế nào, bạn hãy nhớ có thể ngã, có thể thất bại nhưng phải đứng dậy được. Ngã và thất bại mà đứng dậy được thì tôi tin bạn sẽ nhận được rất nhiều giá trị sau cái ngã, cái thất bại đó. Khi ngã mà đứng dậy được như vậy thì tôi cũng tin người đó khả năng thành công rất cao, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Còn khởi nghiệp không có ai dám vỗ ngực bảo tôi khởi nghiệp chắc chắn 100% thành công, mà chỉ tự tin mình làm sẽ thành công thôi, kể cả tôi bây giờ cũng vậy. Nhưng tự tin như vậy không đồng nghĩa với chắc chắn thành công. Tôi xin chia sẻ chính câu chuyện thực tế của mình để các bạn tham khảo thêm…
Năm đó, tôi khoảng 27 tuổi đã cùng mấy người bạn có ý định rủ nhau khởi nghiệp. Lúc này, tuổi cũng không phải quá trẻ, nhưng kinh nghiệm đi làm thì rất ít. Do tôi học muộn và lúc đó tôi là nhân viên nên kiến thức về quản lý, quản trị gần như là từ con số 0. Tiền bạc cũng chưa tích lũy được bao nhiêu. Do vậy, tôi băn khoăn và suy nghĩ rất rất nhiều, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được để suy nghĩ đến việc này.
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi cũng quyết định dấn thân vào khởi nghiệp. Khi đó, tôi đưa ra được quyết định như vậy là vì tôi đã nghĩ đến và đưa ra được kịch bản cho trường hợp xấu nhất, đó là trường hợp thất bại. Tôi đặt ra mục tiêu sẽ cố gắng, sẽ nỗ lực hết mình, bươn chải ở đất thủ đô khoảng 3 đến 4 năm. Nếu thất bại tôi sẽ chấp nhận đi về tỉnh lẻ, có thể là Bắc Ninh hoặc Bắc Giang quê tôi để xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, các nhà máy để sớm ổn định lại cuộc sống. Do vậy, tôi đã toàn tâm toàn ý bắt tay vào khởi nghiệp. Tôi cũng tự trả lời được rằng, nếu thất bại tôi sẽ chấp nhận được và đứng dậy được.
Các bạn chú ý, dẫu có rủi ro mà thất bại thì cũng làm sao để mình nợ lần ít nhất có thể. Đó là điều rất quan trọng, để nếu có ngã thì chúng ta cũng sớm đứng dậy được. Vì đây là chia sẻ từ trường hợp thực tế của tôi nên tôi cũng thẳng thắn thừa nhận và chia sẻ thêm với các bạn là, lúc đó, có hai yếu tố giúp tôi đưa ra quyết định này dễ dàng hơn, dứt khoát hơn. Thứ nhất, khi đó tôi không có quá nhiều cái để mất, lương thì cũng bình thường, và tôi không phải là quản lý, cũng không có vị trí gì trong công ty cả, chỉ là nhân viên bình thường. Thứ hai, lúc đó tôi cũng chưa có gia đình con cái, nên sẽ bớt đi áp lực phải lo cơm áo gạo tiền, đỡ gánh nặng hơn. Từ hai yếu tố đó đã khiến quyết định của tôi dễ dàng hơn. Tôi chia sẻ rõ cái bức tranh liên quan vậy để các bạn tham khảo. Nhưng mẫu chốt và điểm quan trọng tôi nghĩ vẫn là phải trả lời được câu hỏi: Nếu thất bại mình có chấp nhận được không, có đứng dậy được không và đưa ra được kịch bản cho trường hợp thất bại nó xảy ra.
Dù luôn cổ vũ và ủng hộ tinh thần phong trào khởi nghiệp, nhưng tôi cũng không thể nào đưa ra được lời khuyên chính xác và phù hợp cho tất cả các bạn được. Nhưng tôi cố gắng chia sẻ câu chuyện và góc nhìn của mình như vậy để các bạn tham khảo. Và tôi tin, nếu bạn lắng nghe, bạn quan sát trái tim của mình, tâm trí của mình thì nó sẽ giúp bạn có được những lựa chọn và đưa ra được quyết định phù hợp. Khi nhận được những ý tưởng cụ thể của các bạn chia sẻ với tôi thời gian vừa qua, tôi luôn coi các bạn như những người anh em. Vì các bạn đã tin tưởng chia sẻ với tôi và tôi luôn cố gắng chia sẻ lại một cách chân thành nhất. Có những ý tưởng tiềm năng phù hợp tôi cũng luôn cổ vũ và đưa ra những chia sẻ, tư vấn thêm dựa trên những trải nghiệm thực chiến của mình. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tôi cũng khuyên các bạn khởi nghiệp, khuyên các bạn theo đuổi, bởi tôi hiểu rằng khởi nghiệp không phải dành cho tất cả mọi người. Và nó cần hội tụ rất nhiều yếu tố.
Ý thứ 2 tôi muốn chia sẻ với các bạn là hãy cẩn trọng với những lời khuyên về khởi nghiệp. Trên thực tế, khi chúng ta muốn khởi nghiệp hay có ý định khởi nghiệp, thường chúng ta xin lời khuyên từ người này, người kia. Tôi khuyên chân thành là nếu bạn có ý định khởi nghiệp muốn tìm những lời khuyên thì hết sức cẩn thận. Bởi không phải ai cũng đưa ra được lời khuyên cho bạn, càng hiếm người đưa ra được lời khuyên tốt, lời khuyên phù hợp, kể cả người thân thiết nhất của bạn.
Ví dụ khi bạn chia sẻ ý tưởng dự định này cho cha mẹ, rõ ràng cha mẹ là những người thân thiết nhất, luôn mong muốn cho bạn những điều tốt đẹp nhất. Nhưng nếu cha mẹ không hiểu, không có kiến thức, không đồng điệu về tư duy tư tưởng thì chưa chắc đã đưa ra lời khuyên phù hợp cho bạn. Một phần vì hai thế hệ sống ở hai xã hội khác nhau, sự trải nghiệm và góc nhìn cũng sẽ khác nhau, và một phần nữa vì tâm lý của cha mẹ thường muốn con mình ổn định, ít rủi ro, ít vất vả. Mà khởi nghiệp thì nó ngược lại với những cái điều đó, vất vả, rủi ro có cả.
Với tôi, cha mẹ tôi cũng mong muốn và định hướng cho tôi làm sao học xong ra trường có được công ăn việc làm ổn định, để tự chăm lo cho bản thân mình, vậy là tốt lắm rồi. Mong mỏi đó của cha mẹ tôi là đúng và đó là tư tưởng chung của cha mẹ. Tôi hiểu vậy nên khi khởi nghiệp, tôi âm thầm làm, không chia sẻ gì với gia đình. Một phần tôi nghĩ cũng không nhận được lời khuyên gì và một phần tôi cũng không muốn cha mẹ tôi phải suy suy nghĩ. Đến khi tương đối ổn định rồi thì tôi mới chia sẻ lại với cha mẹ.
Một trường hợp tiếp theo là chia sẻ với bạn bè cũng cần hết sức cẩn thận. Vì bạn bè đủ hiểu ta, đủ kiến thức, đủ trải nghiệm mà đưa ra được cho chúng ta lời khuyên thì cũng rất ít. Thông thường số đông bạn bè là sẽ nhìn chúng ta với ánh mắt hoài nghi, rồi đứng ngoài xem chúng ta sẽ làm ăn ra sao, thậm chí chúng ta còn chưa chắc đã nhận được sự cổ vũ từ họ.
Bên cạnh đó, vẫn có những người bạn thực sự phù hợp để chúng ta chia sẻ, nhưng sẽ rất ít. Do đó, hãy cân nhắc và cẩn trọng chia sẻ ý định khởi nghiệp với bạn bè. Người cho ta lời khuyên là những người có kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp thực tế và có những thành công nhất định. Để nhận được những lời khuyên phù hợp, bạn nên tìm đến những người mà trước đây họ có hoàn cảnh, có điểm xuất phát nó tương đồng với mình bây giờ và họ đã đạt ở những thành công nhất định rồi. Khi đó, tôi tin những người như vậy sẽ là những người mà cho bạn lời khuyên sát thực nhất. Hãy cố gắng xây dựng những mối quan hệ và nếu có được những người như vậy thì bạn hãy trân trọng, vì đó là điều may mắn vô cùng.
Ngoài ra, bạn cũng cần cẩn thận với những chia sẻ từ những người mà chưa có trải nghiệm. Bản thân họ còn chưa làm được thì để cho chúng ta lời khuyên tốt, lời khuyên phù hợp sẽ rất khó. Vậy khi không có người phù hợp để bạn chia sẻ và xin lời khuyên từ họ mà bạn trả lời được câu hỏi ở trên là thất bại. Bạn chấp nhận được, bạn đứng dậy được và có phương án, có kịch bản cho trường hợp xấu nhất thì bạn cứ âm thầm tập trung mà làm, mà triển khai. Như vậy còn tốt hơn là tìm những người không phù hợp để xin lời khuyên. Khi đó, lời khuyên chưa chắc đã phù hợp và có thể còn khuyên luôn bạn từ bỏ ý tưởng, ý định khởi nghiệp đi. Như vậy là dập tắt ước mơ, dập tắt hoài bão của bạn rồi. Đó là sai lầm rất nguy hiểm khi xin lời khuyên từ sai người.
Cá nhân tôi trước đây, tôi chỉ đi rủ, đi tìm người đồng hành cùng, chứ tôi không đi xin lời khuyên. Vì thú thật, lúc đó nhìn xung quanh mình cũng không thấy ai phù hợp để có thể chia sẻ, và để có thể cho mình lời khuyên cả. Do vậy, tôi cứ âm thầm, cặm cụi làm và triển khai.
Cuối cùng, tôi xin tóm tắt lại 2 ý chính mà tôi muốn chia sẻ đến với các bạn ngày hôm nay như sau: Thứ nhất, thời điểm phù hợp để chúng ta bắt tay vào khởi nghiệp là khi nếu có rủi ro xảy ra, bạn chấp nhận được thất bại và khi bạn ngã nhưng đứng dậy được. Thứ hai là khi có ý định khởi nghiệp, bạn hãy cẩn trọng với những lời khuyên, nên tìm đến những người mà trước đây họ có hoàn cảnh tương đồng với bạn bây giờ, nhưng sau đó họ có trải nghiệm thực chiến và hiện tại đã đạt ở những thành công nhất định. Còn một người khởi nghiệp để khả năng thành công cao thì cần những yếu tố gì và nên chuẩn bị những gì, tôi xin phép sẽ chia sẻ ở những tập tiếp theo.
Thông qua tập Podcast này, tôi mong những nội dung mình chia sẻ sẽ mang lại thật nhiều giá trị đến với các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn.
Bài viết liên quan:
Bài viết khác
Những cuốn ebook khởi nghiệp không chỉ đem đến kiến thức thực tế mà còn truyền tải tinh thần doanh nhân, khích lệ độc giả dám mơ ước và dấn thân vào hành trình khởi nghiệp đầy thử thách.
Câu chuyện khởi nghiệp thành công của các doanh nhân Việt Nam không chỉ là những câu chuyện truyền cảm hứng mà còn là nguồn tài liệu quý giá cho những ai muốn khởi nghiệp.
Khởi nghiệp ít vốn không chỉ đơn thuần là bắt đầu với nguồn tài chính khiêm tốn, mà còn là một triết lý kinh doanh giúp người khởi nghiệp rèn luyện tư duy linh hoạt, nhạy bén và sáng tạo.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng không chỉ là một hành trình mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy và khát vọng. Cách khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng không hề dễ dàng, nhưng chính từ những thách thức và thất bại, chúng ta sẽ học được bài học quý giá về kiên nhẫn và bền bỉ.
Bài học kinh doanh thành công không chỉ đơn thuần là những chiến lược hay kỹ thuật, mà còn là những nguyên tắc cơ bản giúp doanh nhân phát triển tư duy và kỹ năng cần thiết.
Khởi nghiệp thành công là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị. Mỗi startup thành công đều có những kinh nghiệm và bài học riêng được đúc kết từ quá trình khởi nghiệp của mình.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hoanghuuthang